Xu hướng M&A trong logistics và những thương vụ tỷ đô của năm 2021
>
>
Xu hướng M&A trong logistics và những thương vụ tỷ đô của năm 2021

Xu hướng M&A trong logistics và những thương vụ tỷ đô của năm 2021

Trong năm 2021 vừa qua, thế giới đã chứng kiến những con số ấn tượng với hơn 62.000 thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) trên toàn cầu. Bất chấp các tác động liên quan đến đại dịch bao gồm từ sự thiếu hụt của chuỗi cung ứng đến sự khởi đầu của lạm phát hay sự biến động của thị trường, các hoạt động M&A được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022, đặc biệt là trong lĩnh vực logistics…

M&A là gì?

M&A là tên viết tắt của cụm từ Mergers (Sáp nhập) và Acquisitions (Mua lại). M&A là hoạt động giành quyền kiểm soát doanh nghiệp thông qua hình thức sáp nhập hoặc mua lại giữa hai hay nhiều doanh nghiệp để sở hữu 1 phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp đó.

  • Mergers (Sáp nhập): là hình thức liên kết giữa các doanh nghiệp thường có cùng quy mô với nhau để tạo ra một doanh nghiệp có tư cách pháp nhân mới. Doanh nghiệp sáp nhập sẽ sở hữu toàn bộ tài sản, những lợi ích cũng như quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bị sáp nhập.
  • Acquisitions (Mua lại): là hình thức một doanh nghiệp lớn sẽ mua các doanh nghiệp nhỏ và yếu hơn, các doanh nghiệp bị mua lại này vẫn giữ tư cách pháp nhân cũ và doanh nghiệp mua lại sẽ có quyền sở hữu hợp pháp đối với doanh nghiệp mình mới mua.

Những thương vụ M&A đều nhằm mục đích tham gia, quyết định các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp bị sáp nhập hay mua lại chứ không đơn thuần là sở hữu cổ phần. M&A thường đem lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp: mở rộng thị phần, đạt hiệu quả kinh doanh tốt hơn, giảm số lượng nhân viên cần thiết, giảm những chi phí phát sinh không cần thiết, tận dụng công nghệ được chuyển giao,…

Các hình thức M&A

Căn cứ vào chức năng của các công ty thành viên, tính chất của việc mua bán, sáp nhập: hoạt động M&A có thể được phân loại theo 3 hình thức:

  • M&A theo chiều ngang (Horizontal) là hình thức mua bán, sáp nhập giữa các doanh nghiệp cung cấp các dòng sản phẩm và dịch vụ giống nhau hoặc tương tự cho người tiêu dùng cuối cùng, có nghĩa là cùng ngành và ở cùng một giai đoạn sản xuất. Các công ty, trong trường hợp này, thường là đối thủ cạnh tranh trực tiếp.
  • M&A theo chiều dọc (Vertical) được thực hiện với mục đích kết hợp hai công ty có cùng chuỗi giá trị sản xuất, cùng một dịch vụ, nhưng khác biệt duy nhất là giai đoạn sản xuất mà họ đang hoạt động.
  • M&A kết hợp (Conglomerate) là hình thức mua bán và sáp nhập để hình thành nên các tập đoàn. Việc sáp nhập kiểu tập đoàn diễn ra giữa các công ty phục vụ cùng một khách hàng trong một ngành cụ thể, nhưng họ không cung cấp các sản phẩm và dịch vụ giống nhau. Sản phẩm của họ có thể được bổ sung, sản phẩm đi cùng nhau, nhưng về mặt kỹ thuật không phải là sản phẩm giống nhau.

Lợi ích của M&A

– Nâng cao quy mô doanh nghiệp: Mua bán và sáp nhập doanh nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp thâm nhập được vào thị trường mới, có thêm một dây chuyền sản phẩm mới hay mở rộng phạm vi phân phối, mở rộng chi nhánh, phòng giao dịch, các dự án…Quy mô doanh nghiệp tăng, phân phối hàng hóa được đẩy mạnh cũng sẽ giúp doanh nghiệp có thị phần lớn hơn.

– Giảm chi phí nhân lực: Trên thực tế, khi hai hay nhiều bên sáp nhập lại đều có nhu cầu giảm việc làm, nhất là các công việc gián tiếp. Bởi vậy, M&A sẽ là dịp để các DN sàng lọc những vị trí làm việc kém hiệu quả, DN sẽ có cơ hội được tiếp nhận nguồn lao động có kỹ năng tốt và nhiều kinh nghiệm.

– Cải thiện nguồn lực tài chính: Một trong những lợi ích nổi bật nhất khi thực hiện công việc M&A đó là sức mạnh về tài chính của doanh nghiệp sẽ được cải thiện một cách đáng kể. Sau M&A, DN sẽ được tăng thêm nguồn vốn sử dụng và khả năng tiếp cận nguồn vốn, chia sẻ rủi ro, tăng cường tính minh bạch về tài chính.

– Nâng cao trình độ công nghệ – kỹ thuật: Thông qua việc M&A, DN có thể tận dụng công nghệ hay kỹ thuật của nhau để tạo lợi thế cạnh tranh. Ngoài ra, nguồn vốn dồi dào cũng là một trong những điều kiện thuận lợi để họ trang bị những công nghệ hiện đại phục vụ cho việc kinh doanh.

Điểm lại những thương vụ M&A tỷ đô trong lĩnh vực logistics trên thế giới vào năm 2021

Theo Báo cáo Logistics Việt Nam của Bộ Công Thương, trong năm 2021, một số thương vụ mua bán và sáp nhập được thực hiện bởi những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành logistics toàn cầu:

Lĩnh vực giao nhận

Đầu tiên phải kể tới thương vụ DSV Panalpina mua lại đơn vị kinh doanh logistics hợp nhất toàn cầu của Agility (Agility’s Global Integrated Logistics – Agility GIL). Agility GIL là đơn vị phụ trách mảng kinh doanh logistics giao nhận, trực thuộc Agility Public Warehousing Company K.S.C.P. Thương vụ trị giá 4,1 tỷ USD, thấp hơn khoảng 500 triệu USD so với thương vụ DSV mua lại Panalpina hơn 2 năm trước. Agility GIL là một trong những doanh nghiệp giao nhận hàng không lớn nhất thế giới với doanh thu năm 2020 đạt 4,0 tỷ USD, trong đó khoảng 80% là liên quan đến vận tải hàng không và đường biển. Sau khi tiếp quản thành công Agility GIL, DSV Panalpina được kỳ vọng sẽ trở thành công ty giao nhận lớn nhất thế giới, vượt qua Kuehne + Nagel (K+N) và DHL Global Forwarding.

Trước đó, vào tháng 5/2021, Kuehne + Nagel đã hoàn tất việc mua lại 88,5% cổ phần của Apex International. Kể từ đầu năm 2021, trong nỗ lực nhằm mở rộng sự hiện diện tại Châu Á – Thái Bình Dương, Kuehne + Nagel đã ký thỏa thuận để mua lại Apex International Corporation.

Trị giá giao dịch được ước tính vào khoảng 1,5 tỷ USD – 2 tỷ USD. Đây là thương vụ mua lại lớn nhất trong lịch sử của Kuehne + Nagel với hy vọng sẽ đưa công ty trở thành nhà giao nhận lớn nhất trong thị trường vận tải hàng không. Apex được thành lập tại Trung Quốc vàonăm 2001 và đã mở rộng phát triển mạnh mẽ trên khắp châu Á, đặc biệt với các tuyến xuyên Thái Bình Dương và nội Á. Việc mua lại Apex International tại Trung Quốc theo kế hoạch sẽ bổ sung thêm 9% vào doanh thu của Kuehne + Nagel và tăng tỷ lệ doanh thu tại Châu Á Thái Bình Dương từ 11% lên 19% tổng doanh thu. Tuy nhiên đến tháng 7, Kuehne + Nagel đã đồng ý bán 24,9% cổ phần của Apex International cho công ty cổ phần tư nhân Partners Group nhằm thực hiện “Kế hoạch tạo ra giá trị chuyển đổi”, củng cố vị thế tại thị trường Trung Quốc. Partners Group cũng sẽ tham gia cùng cổ đông lớn Kuehne + Nagel Group với một ghế trong Hội đồng quản trị Apex.

Với nỗ lực hoàn thiện hệ sinh thái logistics với giải pháp tích hợp đầu cuối từ vận tải quốc tế bằng đường biển sang logistics nội địa với hệ thống kho bãi, môi giới hải quan, công nghệ vận tải đường bộ, vào tháng 8/2021, A.P. Moller-Maersk đã mua hai công ty logistics thương mại điện tử với giá trị 924 triệu USD bao gồm: Visible Supply Chain Management LLC (Hoa Kỳ) và công ty B2C Europe (Hà Lan).

Cùng thời điểm, Jas Worldwide đang thực hiện thương vụ mua lại Greencarrier Freight Services (một công ty con của Greencarrier Group, chuyên cung cấp các dịch vụ giao nhận hàng hóa, hậu cần và quản lý chuỗi cung ứng) trong chiến lược nâng cao vị thế của mình tại các khu vực Bắc Âu, Baltic và Đông Âu, đồng thời củng cố các hoạt động hiện có ở Anh và Trung Quốc.

Lĩnh vực kho bãi

Lineage Logistics, LLC – công ty hàng đầu trong lĩnh vực chuỗi cung ứng lạnh đã mua lại Hanson Logistics – công ty cung cấp giải pháp logistics lạnh lớn thứ 12 tại Bắc Mỹ – theo Hiệp hội kho hàng lạnh quốc tế (IARW). Trước đó, Lineage đã mua thêm hai nhà cung cấp kho lạnh để tăng cường hoạt động trong nước, bao gồm: Marc Villeneuve (dịch vụ phân phối trực tiếp đến cửa hàng ở Montreal) và Kho lạnh Orefield (bao gồm ba địa điểm ở Đông Pennsylvania). Tính đến thời điểm hiện tại, mạng lưới cơ sở của Lineage ở Bắc Mỹ bao gồm hơn 250 cơ sở ở 35 tiểu bang và hai tỉnh của Canada với thể tích hơn 1,7 tỷ feet khối kho được kiểm soát nhiệt độ.

Lĩnh vực vận tải biển

Sau khi thỏa thuận được hoàn tất vào tháng 3/2021, đến tháng 7/2021, hàng tàu Hapag Lloyd đã chính thức hoàn tất việc mua lại dây chuyền container và dây chuyền công nghệ của NileDutch để đẩy mạnh khai thác thị trường vận tải Tây Phi. Hapag-Lloyd và NileDutch hy vọng sẽ tích hợp hầu hết các hoạt động kinh doanh của họ vào cuối năm nay.

Vào tháng 9/2021, công ty vận tải đa phương thức tập trung vào các chuyến tàu ngắn Châu Âu – Samskip đã mở rộng hoạt động ở Baltic sau khi mua lại hãng vận tải trung chuyển Sea Connect của Lithuania. Sau khi việc mua lại hoàn tất, công ty sẽ được đổi tên thành Samskip Sea Connect và sẽ phát triển các tuyến đường biển ngắn mới kết nối Nga, Lithuania, Đan Mạch, Đức và Hà Lan bên cạnh tiếp tục vận hành các tuyến trung chuyển. Hành động này của Samskip nhằm củng cố vị thế tại Nga, Hà Lan và các cảng trong khu vực Baltic.

Lĩnh vực vận tải hàng không

Bên cạnh các thương vụ M&A đã được hoàn tất, mặc dù đã nhận được sự chấp thuận của Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc do chính phủ điều hành, việc sáp nhập của 2 hãng hàng không lớn của Hàn Quốc là Korean Air và Asiana Airlines được công bố từ năm 2020 vẫn còn nhiều thủ tục trước khi chính thức hoàn tất quá trình này. Thời gian hoàn thành dự kiến vào năm 2024. Korean Air và Asiana Airlines chiếm tổng cộng 40% số chỗ cho hàng hóa và hành khách tại Sân bay quốc tế Incheon.

Xu hướng M&A trong lĩnh vực logistics năm 2022

Tuy đại dịch đã gây ra nhiều gián đoạn đối với nền kinh tế toàn cầu, đồng thời, dẫn đến nhiều rào cản về cơ cấu cũng như tài chính đối với các giao dịch trong năm 2022, bao gồm lãi suất cao, lạm phát tăng, thuế tăng và quy định ngày một thắt chặt hơn. Bất chấp những khó khăn đó, thị trường M&A toàn cầu được kỳ vọng sẽ tăng mạnh vào năm 2022 khi sự lạc quan về kinh tế vẫn ở mức cao, với khối lượng và giá trị giao dịch tiếp tục phản ánh một thị trường sôi nổi cùng với nguồn vốn dồi dào…

Trong lĩnh vực logistics, khi mà thương mại điện tử phát triển ngày càng phát triển kéo theo hình thức mua sắm trực tuyến và sự gia tăng của những mô hình kinh doanh mới cho phép các công ty dịch vụ chuyển phát với tần suất giao hàng nhỏ lẻ lớn và độ phủ của dịch vụ rộng khắp các tỉnh thành cũng sẽ mở ra cơ hội cho hoạt động M&A.

Ngoài ra, các xu hướng khác trong logistics vào năm 2022 như tập trung đầu tư vào kho, trung tâm logistics và chuỗi cung ứng lạnh được gia tăng từ thương mại điện tử, cùng với nhu cầu thuê mặt bằng lưu giữ, phân loại hàng hóa, hoàn tất đơn hàng… hứa hẹn cũng sẽ là động lực để M&A sẽ tăng mạnh.

 

Bắt đầu nhập và nhấn Enter để tìm kiếm

Giỏ hàng

Chưa có sản phẩm trong giỏ hàng.

+84 286 6508 307
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon
chat-active-icon