Chuỗi cung ứng toàn cầu đang dần biến thành mạng cung ứng
>
>
Chuỗi cung ứng toàn cầu đang dần biến thành mạng cung ứng

Chuỗi cung ứng toàn cầu đang dần biến thành mạng cung ứng

Một trật tự thế giới mới đang hình thành cho các chuỗi cung ứng quan trọng, cung cấp hầu hết hàng hóa mà chúng ta dùng hàng ngày. Các công ty, đặc biệt là những công ty công nghệ, đang đặt câu hỏi về tính chính thống của quá trình toàn cầu hóa 50 năm qua. Những nguyên tắc cơ bản của nó bao gồm việc luôn tìm kiếm nhà sản xuất có chi phí thấp nhất, bất kể khoảng cách xa đến đâu và không bao giờ mang theo hàng tồn kho hoặc bộ phận thừa nào…

Các chuỗi cung ứng hiện đại được thiết kế để tiết kiệm chi phí. Kể từ khi áp dụng container vào vận chuyển những năm 1960, các chuỗi cung ứng cho hầu hết hàng hóa ngày càng dài ra. Việc vận chuyển xuyên đại dương và xuyên lục địa trở nên rẻ và đáng tin cậy có nghĩa là hoạt động sản xuất có thể di chuyển đến bất cứ nơi nào có mức lương thấp nhất.

Các sản phẩm càng phức tạp, đặc biệt là hàng công nghệ, với cách này đã giảm giá thành tối đa, nhưng nhược điểm là phụ thuộc vào ba đặc tính của thương mại toàn cầu. Thứ nhất là nguyên liệu thô phải luôn rẻ và có sẵn rộng rãi. Thứ hai, việc vận chuyển sẽ luôn tốn một phần nhỏ giá trị hàng hóa. Thứ ba là việc vận chuyển luôn đáng tin cậy. Những điều này vẫn được coi là hiển nhiên cách đây vài năm.

Đến 2018, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung nổ ra khiến nhiều nhà sản xuất thấy rằng những giả định trên có thể không còn đúng. Sau đó, Covid-19 ập đến. Giờ đây, các lệnh trừng phạt chống lại Nga, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung còn tồn tại, kết hợp với thiên tai và khó khăn trong sản xuất, vận chuyển khiến các vấn đề với chuỗi cung ứng toàn cầu hóa trở nên trầm trọng.

Nhiều công ty đã nỗ lực làm cho chuỗi cung ứng trở nên mạnh mẽ hơn, bằng cách bổ sung thêm nhiều nhà máy, nhà cung cấp và nguồn nguyên liệu. Kết quả của sự thay đổi có thể bao gồm sự dịch chuyển công ăn việc làm và ngành sản xuất trong những thập kỷ tới. Khi các công ty xây dựng nhiều nhà máy, ở nhiều địa điểm hơn và mua các bộ phận, vật liệu từ nhiều nhà cung cấp hơn, chuỗi cung ứng của thế giới ngày càng giống “mạng lưới cung ứng” hơn.

Trong lĩnh vực hậu cần, sự chuyển dịch từ chuỗi cung ứng sang mạng cung ứng được gọi là “đa nguồn cung ứng”, theo Nathan Resnick, Chủ tịch và đồng sáng lập của Sourcify, công ty dịch vụ tìm kiếm và quản lý các nhà máy ở châu Á.

Willy Shih là giáo sư tại Đại học Harvard và là thành viên của Ủy ban tư vấn cho Bộ Thương mại Mỹ về cách củng cố chuỗi cung ứng trong nước. Trong một bài luận gần đây, ông mô tả cách đại dịch trở thành lời cảnh tỉnh cho các nhà quản lý. Ông cũng chỉ ra xu hướng các công ty và quốc gia tìm cách tái định vị chuỗi cung ứng trong các khối thương mại khu vực đồng minh về chính trị.

Cùng với việc các công ty nhận ra nguy cơ bị gián đoạn nguồn cung, các chính phủ cũng đang tập trung nhiều hơn vào việc bảo vệ quyền tiếp cận các hàng hóa quan trọng vì an ninh quốc gia. Các chính sách này có nhiều tên gọi. Ở Trung Quốc, động thái hướng tới tự lực cánh sinh này được gọi là “tuần hoàn kép”. Nó được công bố vào tháng 5/2020. Ở Liên minh châu Âu, phần triết lý liên quan đến công nghệ này được đặt tên là “Chủ quyền Công nghệ”.

Ở Mỹ, những nỗ lực này bao gồm “Chips for America” trị giá 52 tỷ USD, đã được thông qua nhưng chưa được tài trợ, nhằm mục đích đưa ngành sản xuất vi mạch của Mỹ đang chiếm thị phần 12% phục hồi về mức khoảng 40% như hồi 1990.

Với nhu cầu về vi mạch đang tăng nóng, các nhà sản xuất thậm chí còn không cần chờ đợi đạo luật này. Họ đã công bố một loạt các nhà máy mới, nằm rải rác trên khắp thế giới. TSMC, nhà sản xuất gần như tất cả các chip thế hệ mới nhất trong các sản phẩm của Apple, đang chi 100 tỷ USD trong ba năm tới để tăng công suất của mình, bao gồm các nhà máy mới ở Arizona và Nhật Bản.

Intel đã cam kết chi 95 tỷ USD cho năng lực sản xuất mới chỉ riêng ở châu Âu và 20 tỷ USD cho một nhà máy mới ở Ohio, và có thể tăng lên mức đầu tư 100 tỷ USD. Samsung có kế hoạch xây dựng một cơ sở mới trị giá 17 tỷ USD ở Texas. Ngay cả các nhà sản xuất chip sử dụng công nghệ cũ hơn, như và On Semiconductor cũng đang đầu tư vào các nhà máy mới và mở rộng.

Khuyến khích các khoản đầu tư này đã trở thành một điểm hiếm hoi được lưỡng đảng đồng tình ủng hộ. Klon Kitchen, Chuyên gia cấp cao chuyên về công nghệ và an ninh quốc gia của American Enterprise Institute, đánh giá tình hình các liên minh địa chính trị đang chia cắt bởi chiến tranh thương mại và đụng độ quân sự đang làm gợi nhớ đến Chiến tranh Lạnh và thậm chí cả Thế chiến II.

Trong trường hợp căng thẳng leo thang giữa Mỹ và các đồng minh với Nga, Trung Quốc hoặc các quốc gia đồng minh khác, Mỹ nhận ra họ không thể để mất quyền tiếp cận năng lực sản xuất vi mạch cần thiết để xây dựng mọi thứ, từ hệ thống vũ khí đến điện thoại thông minh và mạng 5G.

Hiện tại, hầu như tất cả hoạt động sản xuất vi mạch tiên tiến trên thế giới đều tập trung ở Đài Loan. “Điều đó khiến chúng tôi vô cùng lo lắng khi nó nằm ở một vị trí địa chính trị đầy khó khăn như vậy, trong bối cảnh căng thẳng của Trung Quốc và Đài Loan”, Emily Kilcrease, Giám đốc chương trình năng lượng, kinh tế và an ninh tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, một tổ chức tư vấn của Washington nói.

Và chip máy tính hầu như không phải là loại công nghệ duy nhất mà chuỗi cung ứng đang được chuyển đổi thành mạng cung ứng đa nguồn. Sản xuất pin, đặc biệt là cho xe điện, hiện do Trung Quốc thống trị. Nhưng hàng chục nhà máy pin mới đang mọc lên ở khắp Mỹ và thế giới.

iPhone, biểu tượng của chuỗi cung ứng dài nhất và phức tạp nhất thế giới, tiếp tục duy trì đúng tiến độ sản xuất một phần nhờ sự phối hợp của Apple và Foxconn. Ngay cả trước đại dịch, Foxconn đã tận dụng các khoản trợ cấp hào phóng để phân phối lại mạng lưới lắp ráp iPhone. Họ chia nhỏ sản xuất thiết bị này và nhiều sản phẩm khác giữa Thâm Quyến và miền Tây Trung Quốc. Foxconn cũng đã mở rộng sản xuất iPhone sang Chennai, Ấn Độ và AirPods đến Việt Nam.

Đặc biệt, Đông Nam Á đã trở thành một điểm nóng của khu vực “thiếu nguồn cung ứng” về sản xuất công nghệ. Các quốc gia như Việt Nam và Thái Lan là những nước vẫn gần với nguồn cung được sản xuất tại Trung Quốc, nhưng chi phí nhân công ở hai nước này thấp hơn.

Theo giáo sư Shih, với việc hầu hết quốc gia ở Đông Nam Á đang cố gắng duy trì tính trung lập về địa chính trị, khu vực này có tiềm năng trở thành nhà cung cấp cho hầu hết mọi quốc gia trên thế giới. Chẳng hạn, Samsung Electronics sản xuất phần lớn điện thoại thông minh cũng như các thiết bị gia dụng thông minh tại Việt Nam.

Lauren Dudley, nhà phân tích nghiên cứu tập trung vào cạnh tranh với Trung Quốc tại Rhodium Group, cho biết ngay cả khi Mỹ muốn cố gắng tái tạo toàn bộ chuỗi cung ứng điện tử ngay nội địa, từ nguyên liệu thô đến thành phẩm, thì sẽ cực kỳ khó khăn, nếu không muốn nói là không thể.

Một số nhà nghiên cứu về chuỗi cung ứng và mạng cung ứng nói rằng sự dịch chuyển hiện tại có nguy cơ đi quá xa. Theo bà Kilcrease, nếu Mỹ cố gắng đạt được mục tiêu “Chủ quyền Công nghệ” như EU sẽ là sai lầm. Mặc dù chip và thiết bị điện tử quan trọng đối với các hệ thống quốc phòng nhưng đó vẫn chỉ là một phần rất nhỏ trong tổng số chip được sản xuất hàng năm.

Dù các công ty và chính phủ có đầu tư gì đi chăng nữa, thì không có gì trong một hệ thống sản xuất và phân phối hàng hóa trải dài khắp thế giới thay đổi nhanh chóng. Sắp xếp lại hàng thập kỷ toàn cầu hóa, di chuyển cả hai nhà máy và chuyên môn cần thiết để vận hành chúng, là việc đòi hỏi rất nhiều tiền và thời gian.

“Để có được sự tách biệt này như nhiều người đề cập, đó là dự án kéo dài hàng thập kỷ. Bạn thực sự phải có rất nhiều cam kết”, giáo sư Shih nói.

*Nguồn: vnexpress

Bắt đầu nhập và nhấn Enter để tìm kiếm

Giỏ hàng

Chưa có sản phẩm trong giỏ hàng.

+84 286 6508 307
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon
chat-active-icon