Cách để giảm thiểu tác động của hiệu ứng Bullwhip lên chuỗi cung ứng?
>
>
Cách để giảm thiểu tác động của hiệu ứng Bullwhip lên chuỗi cung ứng?

Cách để giảm thiểu tác động của hiệu ứng Bullwhip lên chuỗi cung ứng?

Khi doanh nghiệp sản xuất – phân phối càng rời xa khách hàng cuối thì tín hiệu về nhu cầu tiêu thụ phát sinh trên thị trường sẽ có nguy cơ sai lệch càng lớn hơn. Tại một số thời điểm, sự sai lệch này có thể lên đến gấp 3 đến 5 lần so với nhu cầu ban đầu. Và khi nhu cầu được trả về không chính xác, chuỗi cung ứng sẽ bị tác động tiêu cực, nguyên nhân của vấn đề này là do hiệu ứng Bullwhip…

Hiệu ứng Bullwhip là gì?

Hiệu ứng Bullwhip (Hiệu ứng cái roi da) là một hiện tượng mà nhu cầu thị trường cho một sản phẩm ở hạ nguồn bị thay đổi và dẫn đến biến động liên kết dọc qua các khâu của chuỗi cung ứng, kéo theo sự dư thừa tồn kho, ảnh hưởng đến chính sách giá và tạo ra phản ánh không chính xác trong nhu cầu thị trường.

Hãy tưởng tượng, khi cầm một chiếc roi da dài trên tay và nếu thúc nhẹ vào chiếc roi ở phần tay cầm, nó sẽ tạo ra những chuyển động nhỏ ở những phần gần nhất với tay cầm, nhưng những phần ở xa hơn thì biên độ dao động sẽ có xu hướng ngày càng tăng.

Tương tự như vậy, trong chuỗi cung ứng, khách hàng cuối có quyền vung roi và họ tạo ra một chút chuyển động trong nhu cầu của mình. Ngay lập tức, chúng ta sẽ thấy được những chuyển động lớn hơn trong nhu cầu ở các điểm sau đó. Cụ thể, lúc này điểm bán sẽ truyền tín hiệu đến nhà phân phối bằng cách đặt lượng hàng gấp đôi bình thường, nhà phân phối lại tiếp tục nhập gấp đôi hàng từ nhà sản xuất, nhà sản xuất nhận thấy mặt hàng này đang có thị trường rộng mở nên quyết định đặt nguyên liệu thô gấp ba từ nhà cung cấp vật tư. Như vậy, tín hiệu nhu cầu thị trường lúc này đã bị sai lệch lên đến ~3-5 lần.

Trung bình, có từ 4 đến 5 điểm tồn kho giữa khách hàng cuối cùng và nhà sản xuất ở thượng nguồn. Mỗi điểm đều cố gắng bảo vệ mình khỏi tình huống hết hàng hay bỏ lỡ đơn đặt hàng của khách hàng. Họ cố giữ thêm hàng tồn kho để phòng vệ trước sự thay đổi trong chuỗi cung ứng. Do đó, sẽ tồn tại “khoảng đệm” lớn của hàng tồn kho lên đến sáu tháng giữa khách hàng cuối và nhà cung cấp nguyên liệu thô. Hiệu ứng Bullwhip này chính là một trong những nguyên nhân khiến các nhà sản xuất thượng nguồn gia tăng sự không chắc chắn, tin vào dữ liệu ảo dẫn đến sản xuất nhiều hơn nhưng độ dự báo chính xác lại thấp hơn, và cuối cùng là tồn kho cao, giảm hiệu quả kênh phân phối

Nguyên nhân của hiệu ứng Bullwhip?

Lý do cối lõi phía sau hiện tượng biến dạng nhu cầu được cho là sự không hoàn hảo về thông tin nhận được giữa các chủ thể của chuỗi cung ứng, thông qua 4 nguyên nhân chính:

  • Cập nhật dự báo nhu cầu (Demand forecast updating): Thông thường, các dự báo nhu cầu đều được thực hiện riêng lẻ bởi tất cả các thành viên của chuỗi cung ứng. Mỗi thành viên cập nhật dự báo nhu cầu của riêng mình dựa trên các đơn đặt hàng nhận được từ khách hàng cuối ở “hạ nguồn”. Càng nhiều thành phần trong chuỗi, thì những cập nhật dự báo này càng ít phản ánh nhu cầu thực tế của khách hàng cuối. Đây chính là một trong những yếu tố chủ chốt gây ra hiệu ứng Bullwhip.
  • Đơn đặt hàng theo gói/lô (Order batching): Lô đặt hàng xảy ra khi mỗi thành phần trong chuỗi cung ứng lấy số lượng đặt hàng mà họ nhận được từ khách hàng cuối và làm tròn lên hoặc xuống để phù hợp với các công suất sản xuất chẳng hạn. Càng có nhiều thành viên thực hiện việc làm tròn số lượng đặt hàng như vậy, thì hiệu ứung Bullwhip lại càng có nguy cơ diễn ra.
  • Sự biến động giá cả (Rice fluctuations): Do các yếu tố lạm phát, giảm giá số lượng, hoặc nhiều chương trình khuyến mãi như chiết khấu, giảm giá… có xu hướng khuyến khích khách hàng mua số lượng lớn và điều này lại dẫn đến nhu cầu thựu tế có phàn sai lệch. Vậy là hiệu ứng Bullwhip lại xuất hiện.
  • Trò chơi hạn chế và thiếu hụt (Rationing and gaming): Khi người bán cố gắng giới hạn số lượng đặt hàng bằng cách phân phối ít hơn đơn hàng mà người mua đã đặt. Người mua biết rằng người bán chỉ giao một phần nhỏ của đơn hàng đã đặt nên họ cố gắng “đánh lừa” bằng cách điều chỉnh số lượng đơn đặt hàng lên gấp đôi chẳng hạn. Việc này tạo ra sự sai lệch trong thông tin đặt hàng mà chuỗi cung ứng nhận được.

Tác động của hiệu ứng Bullwhip đến chuỗi cung ứng

Hiệu ứng Bullwhip gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động của chuỗi cung ứng và doanh nghiệp.

  • Tăng chi phí: Hiệu ứng Bullwhip sẽ làm cho lượng sản phẩm dư thừa quá lớn, dẫn đến lượng tồn kho quá nhiều, chi phí bảo quản và xử lý hàng tồn kho tăng mạnh. Hơn nữa, hàng hoá còn đối mặt với việc hư hỏng do nằm trong kho quá lâu.
  • Tăng nhân công: Bạn cần trả lương cho nhân viên để xử lý, phân loại và bán các mặt hàng bổ sung có trong tay. Tương tự, nếu người bán hết hàng, nhân viên bán hàng có thể cần phải làm việc chăm chỉ hơn để tìm các lựa chọn thay thế hoặc sắp xếp việc giao hàng sau đó. Những nhu cầu lao động này có thể tăng lên. 
  • Không đáp ứng được kỳ vọng của khách hàng: Việc hết sản phẩm có thể gây ra vấn đề cho danh tiếng và lợi nhuận của bạn. Cho dù bạn đang cố gắng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng hay các thành viên chuỗi cung ứng khác, việc không thể cung cấp sản phẩm có thể khiến khách hàng của bạn khó chịu, khiến bạn trông kém tin cậy hơn và khiến một số người trong số họ phải tìm kiếm đối tác hoặc thương hiệu mới.
  • Đình trệ trong sản xuất và lưu thông: Sản xuất dư thừa sẽ gây khó khăn cho tất cả các chủ thể trong việc tiêu thụ, đảm bảo chất lượng, làm trì trệ quá trình lưu thông và sản xuất, vốn đầu tư không thể xoay vòng, v.v.
  • Giảm lợi thế cạnh tranh: Xuất phát từ việc hiệu ứng bullwhip khiến chi phí tăng, doanh nghiệp phải tăng giá sản phẩm để bù lại, từ đó làm giảm lợi thế cạnh tranh về giá trên thị trường.

Cách để giảm thiểu tác động của hiệu ứng Bullwhip lên chuỗi cung ứng?

Tối ưu hóa các chủ thể trong chuỗi cung ứng

Việc giảm thiểu số lượng nhà cung cấp cũng như giảm các chủ thể trung gian trong chuỗi cung ứng có thể giúp hạn chế được tác động của hiệu ứng Bullwhip. Bởi một chuỗi cung ứng càng đơn giản thì việc truyền đạt thông tin giữa các chủ thể càng dễ dàng và sẽ làm giảm đi sự phóng đại của thông tin.

Tối ưu hóa số lượng đặt hàng tối thiểu và cung cấp giá cả ổn định

Một số sản phẩm nhất định có số lượng đặt hàng tối thiểu cao dẫn đến khoảng cách tổng thể cao giữa các đơn hàng tiếp theo. Giảm số lượng đặt hàng tối thiểu xuống mức tối ưu sẽ giúp tạo ra các mẫu đơn hàng hiệu quả hơn. Mức giá ổn định sẽ góp phần lớn để giữ một nhu cầu ổn định. Điều này sẽ hạn chế được những biến động trong thông tin về nhu cầu giữa các chủ thể. Do đó, tác động từ hiệu ứng bullwhip sẽ được giảm thiểu rất nhiều.

Cải thiện quy trình lập kế hoạch nguyên liệu thô

Các nhà quản lý mua hàng thường có xu hướng đặt hàng trước và giữ nguyên liệu thô ở mức đệm cao để tránh gián đoạn quá trình sản xuất. Do đó, kế hoạch nguyên vật liệu cần được liên kết trực tiếp với kế hoạch sản xuất. Ngược lại, kế hoạch sản xuất cần được đưa ra đầy đủ trước để tuân theo thời gian thu mua chung. Điều này sẽ dẫn đến việc tồn kho nguyên liệu thô thấp hơn.

Cải thiện quy trình lập kế hoạch kiểm kê

Lập kế hoạch hàng tồn kho là sự kết hợp cẩn thận giữa các xu hướng lịch sử đối với nhu cầu theo mùa, nhu cầu hướng tới tương lai, ra mắt sản phẩm mới và ngừng sản xuất các sản phẩm cũ. Các cài đặt ngưỡng tồn kho an toàn hay phạm vi tồn kho tối thiểu của mỗi điểm cần được xem xét và điều chỉnh định kỳ. Hàng tồn kho trong toàn bộ mạng lưới cần được cân đối dựa trên nhu cầu của khu vực. Hệ thống báo cáo thường xuyên và cảnh báo sớm cần được thực hiện đối với những sai lệch lớn so với định mức tồn kho đã đặt ra.

Sử dụng phần mềm quản lý hàng tồn kho

Quản lý hàng tồn kho và đơn đặt hàng phù hợp sẽ giúp bạn tránh được các vấn đề với hiệu ứng bullwhip. Điều này được thực hiện tốt nhất bằng cách sử dụng phần mềm có thể theo dõi mức tồn kho, dòng sản phẩm và đơn đặt hàng trong thời gian thực. Chúng cung cấp cho bạn dữ liệu có thể hành động và cung cấp thông tin chi tiết về khả năng đáp ứng nhu cầu của bạn.

*Nguồn: Tổng hợp

 

Bắt đầu nhập và nhấn Enter để tìm kiếm

Giỏ hàng

Chưa có sản phẩm trong giỏ hàng.

+84 286 6508 307
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon
chat-active-icon